Wednesday, February 24, 2016

DSLR: những yếu tố cơ bản để làm chủ một bức ảnh

Ngày nay việc sở hữu một chiếc máy ảnh DSLR không còn là điều quá xa vời. Nhưng chắc hẳn nhiều bạn trước khi đưa ra quyết định rước một em nó về sẽ đều băn khoăn rằng với nhiều nút bấm như thế, nhiều thông số như thế thì liệu mình có thể nào làm chủ được em nó không, có quá khó và mất nhiều thời gian cho một tấm ảnh hay không. Điều hoàn toàn khác xa so với máy ảnh du lịch kỷ thuật số chỉ cần nhắm và chụp vì tất cả đã được tự động hóa bằng các thuật toán mà nhà sản xuất tích hợp sẵn. 

 Hôm nay với vai trò là một người đã có những trãi nghiệm và tự mày mò từ DSLR cho tới máy film các thứ, thì mình xin khẳng định rằng nó không quá khó như bạn nghĩ. Không nhất thiết phải có những thứ này: 


hay những thứ này


thì mới có thể tạo ra được những bức ảnh đẹp. Hãy bỏ qua những lo lắng đó. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra được một bức ảnh đẹp chỉ với một body không quá đắt tiền và một cái ống kính (Lens) không quá đắt tiền. Nhưng với tiêu chí của bài này đó là làm chủ được máy ảnh, làm chủ được bức ảnh cho những người mới mày mò và tự tìm hiểu như mình thì có những điều cơ bản sau đây các bạn cần nắm rõ. Anh chị em nào rành rồi thì đừng cười nhé.




ISO: là độ nhạy sáng của cảm biến ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng cao và bức ảnh càng sáng.

Khẩu độ: độ mở của ống kính. là độ mở rộng hay thu nhỏ của các lá khẩu trong ống kính. Ký hiệu là F, số F càng nhỏ thì độ mở ống kính càng lớn, và càng thu nhận được nhiều ánh sáng vào cảm biến hơn. Khẩu độ tùy thuộc vào loại ống kính bạn đang sử dụng . Lấy ví dụ nếu bạn dùng Lens kit (lens đi cùng body khi mới mua về) của cả Canon hay nikkon thì bạn có thể setup khẩu độ trong phạm vi từ F3.5-5.6. Trong đó F3.5 là trạng thái mở rộng nhất có thể của lens và f5.6 là trạng thái khép nhỏ tối đa của các lá khẩu. Tất nhiên thì bạn cũng có thể setup những chỉ số F khác miễn sao nó nằm trong phạm vi khẩu độ được ghi trên lens.

Tốc độ màn trập: là thời gian màn trập mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến, được ghi với dạng phân số  và đơn vị là S (giây) ví dụ: 1/20s 1/40s 1/125s 1/800s 1/1000s
Tốc độ càng chậm thì sẽ được nhiều ánh sáng đi vào cảm biến. Lấy ví dụ với thông số ISO và khẩu độ là như nhau, thì bức ảnh có tốc 1/20s sẽ sáng hơn bức ảnh có tốc 1/40s.




Có lẽ điều các bạn đang phân vân là tại sao chúng ta phải chỉnh các thông số này. Trước tiên hãy xem 3 thông số trên như là các gia vị để làm nên một món ăn. Vậy nên các bạn phải nêm nếm hợp lý để sao cho không một gia vị nào quá thừa hoặc quá thiếu để cho ra một món ăn vừa miệng. Trong trường hợp này đó là một bức ảnh với đầy đủ ánh sáng và không bị nhòe hình. 
Làm sao để biết bức ảnh đó có được "nêm" vừa hay chưa, tức đã đủ sáng hay chưa thì trên máy ảnh của bạn có một công cụ để bạn có thể biết điều đó. Đó là thanh đo sáng. Thanh đo sáng có thể được hiển thị trên màn hình và bên trong ống ngắm



Lấy ví dụ một cái màn hình hiển thị có lẽ là của Canon. Máy đang ở chế độ Manual (chữ M to tướng kia) bạn hoàn toàn có thể đặt về chế độ auto và bạn sẽ không cần tinh chỉnh bất cứ thông số nào vì máy sẽ tự chỉnh cho bạn dựa theo độ sáng của môi trường. Và bạn chỉ việc ngắm và chụp. Nhưng làm điều đó trên một chiếc DSLR thì khá là dở hơi. 

Trên màn hình ghi 3 thông số cơ bản đó là tốc 1/250, khẩu 8.0, ISO 100. Phần còn lại chính là thước đo sáng, khi vạch trắng nằm ở mức 0 tức là bức ảnh của bạn đã đủ sáng và có thể chụp. Nếu nó đang ở một số âm nào đó tức bức ảnh của bạn đang thiếu sáng. Tât nhiên bạn vẫn có thể chụp nhưng sẽ cho ra một bức ảnh thiếu sáng và ngược lại đối với một số dương.




Để các bạn dễ hiểu hơn về vấn đề nêm nếm này mình sẽ lấy ví dụ trong một số trường hợp như sau.

1. Trong điều ánh sáng cao như buổi trưa, nhìn vào thước đo sáng máy báo là dư sáng. Thì có những cách sau đây để bạn có thể giảm lượng ánh sáng đi vào cảm biến để bức ảnh bớt sáng đi:
-Giảm ISO tức độ nhạy sáng. Nhưng trong trường hợp ánh sáng quá chói và bạn không thể giảm ISO được nữa vì đa số các máy ảnh có ISO tối thiểu là 100 thì bạn có thể thử cách sau đây.
-Tăng tốc độ màn trập. Lấy ví dụ bạn đang để ISO 200, f4.0 tốc 1/250 máy báo dư sáng thì bạn có thể tăng tốc độ màn trập lên 1/320 chẳng hạn. Tức là giảm thời gian mà màn trập mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến ít hơn.


-Giảm độ mở ống kính. Tức tăng số F lên để khẩu co lại và từ đó ánh sáng đi vào cảm biến ít hơn.
Đó là 3 cách nêm nếm trong điều kiện dư sáng.

2. Trong điều kiệm thiếu sáng (không có flash). Thước đo sáng báo thiếu sáng. Bạn có thể làm những cách sau đây để tăng lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Đây là điều kiện môi trường mình khuyên các bạn không nên chụp.

-Tăng ISO. Tức tăng độ nhạy sáng của cảm biến. Mình khuyên các bạn chỉ nên sử dụng cách này mà sau khi đã chỉnh 2 thông số kia nhưng không cứu vãn được độ sáng cho bức ảnh. Vì có một cái giá phải trả khi tăng ISO lên cao đó chính là noise (nhiễu hạt). ISO càng cao thì noise càng nhiều.


-Giảm tốc độ màn trập. Tức tăng thời gian màn trập mở ra, từ đó ánh sáng sẽ vào cảm biến được lâu hơn. Bức ảnh sẽ sáng hơn. Cách này cũng có một cái giá còn đắt hơn đó là sự nhòe hình. Khi bạn set tốc quá chậm hình hình sẽ bị nhòe.





3 thông số trên chính là vấn đề cốt lõi cũng như quan trọng nhất để quyết định chất lượng một bức ảnh. Không như máy ảnh film ngày xưa bạn chỉ có thể chụp ảnh dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm, nhưng với máy ảnh số thì bạn có thể học tập theo phương pháp thử-sai. Tức là sai nhiều lần trước khi làm đúng. Bạn có thể chụp nhiều tấm ảnh để có được tấm ảnh ưng ý nhất.

Gửi bạn trang web giả lập một cái máy ảnh DSLR của hãng Canon làm ra để hiểu thêm về vấn đề nêm nếm này nhé: http://www.canonoutsideofauto.ca/play/

Khi mới bắt đầu chụp ảnh bạn nên lựa chọn cho mình một chủ đề dễ như phong cảnh, tĩnh vật, chân dung. Vấn đề chọn riêng cho mình một chủ đề, trường phái cũng kéo theo bạn phải lựa chọn cho mình một chiếc ống kính phù hợp cho từng loại chủ để. Vấn đề này mình sẽ chia sẽ trong một bài viết sắp tới.

Kiểm soát được 3 thông số trên thì coi như bạn đã làm được một nửa. Một nửa còn lại chính là kinh nghiệm, con mắt thẩm mỹ và kỹ năng. Những thứ mà các bạn sẽ trau dồi thêm sau này. Qua thời gian học hỏi và rèn luyện. Chúc các bạn luôn luôn giữ được niềm đam mê của mình và ngày càng có được những bức ảnh đẹp. Đừng quên khoe với mình nhé. Mình sẽ vui lắm đấy.

 

No comments:

Post a Comment